Đặt Tour: 1-800-481-0299 / 408-993-9918 / 408-332-2930

Rabbi Abraham Skorka, một người bạn lâu năm của Đức Thánh Cha và đồng tác giả với ngài cuốn sách “Trên Trời và Dưới đất”, chia sẻ những suy nghĩ và những lời chúc trong dịp 10 năm Giáo hoàng của Đức Thánh Cha.

Ngọc Yến - Vatican News

Rabbi Abraham Skorka cho biết, từ khi còn là Tổng Giám Mục Buenos Aires, Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio đã có mối quan hệ sâu sắc với các Rabbi, các vị lãnh đạo cộng đoàn và các cá nhân, đồng thời tình bạn này ngày càng được mở rộng theo thời gian.

Rabbi Skorka bày tỏ: “Tôi là một trong số người may mắn khi có được tình bạn với Đức Thánh Cha, một tình bạn dựa trên những cuộc trò chuyện liên tôn thường xuyên của chúng tôi. Chúng tôi đã cùng viết một cuốn sách về những cuộc đối thoại của chúng tôi “Trên trời và Dưới đất”, và ghi hình 31 chương trình cho kênh truyền hình Tổng Giáo Phận. Ngài nói chuyện tại một số hội đường, cả hội đường của tôi. Ở những nơi này, ngài đã đưa ra những thông điệp tinh thần ấm áp và đầy cảm hứng. Ngài là nguồn đảm bảo và hỗ trợ thường xuyên, đặc biệt sau vụ đánh bom khủng khiếp vào trung tâm cộng đồng Do Thái ở Buenos Aires vào năm 1994. Cá nhân tôi đặc biệt cảm động khi ngài yêu cầu tôi viết lời tựa cho cuốn tiểu sử. Tất cả những điều này làm chứng cho sự cống hiến chân thành của Đức Hồng Y Bergoglio trong việc xây dựng các mối quan hệ và tình bạn với người Do Thái và các cộng đồng của họ”.

Rabbi Skorka cho biết thêm, sau khi trở thành Giáo hoàng, vào năm 2013, Đức Thánh Cha vẫn tiếp tục liên lạc với những người bạn Do Thái. Trong những lần liên lạc qua email hoặc điện thoại, ngài luôn bày tỏ tình cảm cá nhân, hỏi thăm sức khoẻ và công việc của các gia đình người Do Thái.

Rabbi đánh giá cao Tông huấn Evangelii Gaudium-Niềm vui Tin Mừng của Đức Thánh Cha được ban hành chỉ một năm sau khi được bầu chọn làm Giáo hoàng. Trong văn kiện này, ở phần nói về quan hệ liên tôn, Đức Thánh Cha đã tóm tắt các diễn biến từ tuyên bố Nostra Aetate của Công đồng Vatican II, để nhấn mạnh rằng đối thoại giữa các truyền thống tôn giáo phải được ưu tiên. Ngài bày tỏ những hiểu biết quan trọng về quan hệ của Giáo hội Công giáo với người Do Thái.

Trong bài viết, Rabbi Skorka còn liệt kê những điểm quan trọng khác mà Đức Thánh Cha đã nỗ lực thực hiện, như khi viếng thăm Giêrusalem, ngài là vị Giáo hoàng đầu tiên đặt bó hoa lên mộ của Theodor Herzl, cha đẻ của chủ nghĩa phục quốc Do Thái chính trị, biểu hiện của sự tôn vinh phong trào tái tạo văn hoá Do Thái trên quê hương cổ xưa; năm 2020, ngài cho mở văn khố thời Giáo hoàng Piô XII của Vatican.

Tuy nhiên, theo Rabbi, điều quan trọng nhất đối với cộng đồng Do Thái, đó là tình cảm chân thành không thể nghi ngờ và luôn được thể hiện của Đức Thánh Cha dành cho họ. Cộng đồng Do Thái cảm nhận được điều này và ước mong sự quý mến lẫn nhau này luôn là mẫu gương cho các thế hệ mai sau của người Công giáo và Do Thái.

Trả lời nhật báo La Nacion của Argentina, trong tuần qua, Đức Thánh Cha khẳng định Giáo hội đang đi theo con đường do Công đồng Vatican II vạch ra, để Giáo hội ngày càng trở thành ngôi nhà cho tất cả, một Giáo hội mục vụ, công bằng và cởi mở hơn.

Một Giáo hội với những cánh cửa rộng mở

Đức Thánh Cha nói với nữ phóng viên Elisabetta Piqué, ước mơ của ngài là những cánh cửa được mở ra, để đón nhận “những chiên lạc”, mặc dù thái độ này làm cho một số người Công giáo rơi vào khủng hoảng như trường hợp người con cả trong dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu. Nhưng Giáo hội phải đi theo con đường này, đó là một Giáo hội “mục vụ, công bằng và cởi mở hơn”. Điều quan trọng đối với Chúa Giêsu là “tất cả”. Và Đức Thánh Cha cũng vậy, đây là chìa khoá để mở ra cho mục vụ. Tất cả ở trong nhà, dù ồn ào.

Ngài nhấn mạnh rằng trước những thay đổi tất nhiên có chống đối và kháng cự, Chúa Giêsu cũng đã từng bị chống đối nhưng cần phải hành động trong “tự do của Thần Khí” và tìm thánh ý Chúa.

Những cải tổ

Về cải tổ Giáo triều, Đức Thánh Cha lưu ý rằng các bộ đã được tổ chức lại và giờ đây Hồng y đoàn tự do hơn. Về mặt kinh tế, Đức Thánh Cha bày tỏ lòng kính trọng Đức Hồng Y Pell vì đã giúp ngài khởi xướng cải tổ kinh tế. Ngài nói: “Tôi rất biết ơn Đức Hồng Y Pell.  Về mặt kinh tế, Bộ Kinh tế đang giúp tôi rất nhiều. Trong hơn ba năm, cha Guerrero đã hệ thống hoá mọi thứ, và giờ đây là ông Maximino Caballero”.

Quyền bỏ phiếu tại Thượng Hội đồng

Một câu hỏi khác liên quan đến Thượng Hội đồng, Đức Thánh Cha nói “Khoảng mười năm trước, đã có một sự suy tư nghiêm túc và một tài liệu đã được soạn thảo.  Cùng với các thần học gia khác, tôi đã ký tài liệu này, trong đó có nói: Đây là mức tối đa mà chúng ta đã đạt được, bây giờ cần một cái gì đó xa hơn. Ví dụ, lúc đó, tất cả mọi người đều chấp nhận rằng nữ giới không thể bỏ phiếu. Vì vậy, trong Thượng Hội đồng về Amazon, câu hỏi đã được đặt ra: tại sao phụ nữ không thể bỏ phiếu? Phụ nữ có phải là Kitô hữu hạng hai không?”

Nhà báo hỏi liệu bây giờ chỉ một phụ nữ hay tất cả sẽ bỏ phiếu và Đức Thánh Cha trả lời: “Tất cả những người tham gia Thượng hội đồng sẽ bỏ phiếu. Những khách mời hoặc quan sát viên sẽ không bỏ phiếu. Bất cứ ai tham gia Thượng hội đồng đều có quyền bỏ phiếu. Dù là nam hay nữ. Mọi người, mọi người. Đối với tôi, cụm từ ‘mọi người’ là nền tảng".

Cần kiên nhẫn

Cuối cùng, trả lời câu hỏi về những sai lầm đã mắc phải trong 10 năm Giáo hoàng, Đức Thánh Cha chỉ ra nguyên nhân của những lỗi này là do thiếu kiên nhẫn. Ngài nói: “Đôi khi máu dồn lên đầu. Người ta mất kiên nhẫn, và một khi mất bình tĩnh người ta trượt và phạm sai lầm. Cần phải biết kiên nhẫn”.

Trong một cuộc phỏng vấn được thực hiện bởi nhật báo Il Fatto Quotidiano của Ý nhân dịp 10 năm giáo hoàng, Đức Thánh Cha nói rằng làm Giáo hoàng không phải là một việc dễ dàng. Không ai đã học hỏi trước khi làm việc này. Ngài xin mọi người cầu nguyện khi nói về tương lai của Giáo hội và triều đại Giáo hoàng của ngài cho đến nay.

Hồng Thủy - Vatican News

VATICAN-RELIGION-POPE-AUDIENCE

Đức Thánh Cha nhắc lại Thánh Phêrô đã “vấp ngã” thế nào khi chối bỏ Chúa Kitô. Nhưng sau khi phục sinh, Chúa Giêsu đã chọn Phêrô một lần nữa. Đức Thánh Cha giải thích: “Đó là lòng thương xót của Chúa đối với chúng ta. Cũng với Giáo hoàng. 'Servus inutilis sum - Tôi là một đầy tớ vô dụng’, như Thánh Phaolô VI đã viết trong tác phẩm ‘Những suy nghĩ về sự chết.’”

Chúa phán xét dự trên việc thực hành lòng thương xót

Về những hy vọng đối với tương lai của Giáo hội, thế giới và cuộc sống của chính ngài, Đức Thánh Cha cho biết “chương trình điều hành” trong triều đại giáo hoàng của ngài là thực hiện các yêu cầu của Hồng y đoàn, các cuộc họp diễn ra trước mật nghị bầu chọn ngài. Ngài cũng nói rằng vào năm 2013, ngài thường suy tư về một đoạn trích từ bài giảng Thánh lễ đầu tiên của Đức Biển Đức XVI. Ngài từ chối đánh giá triều đại Giáo hoàng của ngài cho đến nay. Ngài nói rằng, một ngày nào đó, Chúa sẽ phán xét cuộc đời của ngài dựa trên việc ngài có thực hành các công việc Thương xót Thể lý như Chúa Giêsu đã dạy hay không.

Hoà bình cho thế giới; Giáo hội không có chủ nghĩa giáo sĩ

Đối với thế giới, ngài cầu chúc hoà bình. Ngài cũng chỉ trích điều mà ngài gọi là “sự toàn cầu hóa của thái độ dửng dưng” trước những thảm kịch như chiến tranh.

Đức Thánh Cha mơ về tương lai của Giáo hội là một Giáo hội dấn thân đi ra thế giới và ở giữa mọi người, một Giáo hội không có chủ nghĩa giáo sĩ. Ngài trích lời Đức Hồng y Henrie de Lubac, đối với một linh mục, chủ nghĩa giáo sĩ “sẽ vô cùng tai hại hơn bất kỳ tính thế tục đạo đức.”

Xin cầu nguyện

Nói với độc giả của tờ báo, Đức Thánh Cha xin những lời cầu nguyện từ những người cầu nguyện và “những tình cảm tốt” từ những người không cầu nguyện. Ngài nói: “Giáo hoàng yêu quý các bạn và đang cầu nguyện cho các bạn.” Ngài nói thêm: “Ngay cả khi những điều tồi tệ xảy ra, ngay cả khi các bạn có kinh nghiệm tồi tệ về một người nào đó của Giáo hội, đừng để điều đó ảnh hưởng đến các bạn. Chúa luôn mở rộng vòng tay chờ đợi các bạn.” (CNA 12/03/2023)

Đức Thánh Cha gửi sứ điệp đến Hội nghị châu Mỹ Latinh lần thứ hai về ngăn ngừa lạm dụng, đang diễn ra trong những ngày này ở Paraguay, khích lệ các tham dự viên nỗ lực ngăn ngừa lạm dụng tình dục trong Giáo hội, và đảm bảo các biện pháp được tuân thủ để trẻ em và những người lớn dễ bị tổn thương luôn được an toàn.

Ngọc Yến - Vatican News

Trong sứ  điệp gửi đến Hội nghị được tổ chức bởi Hội đồng Giám mục Paraguay và Ủy ban Toà Thánh về Bảo vệ Trẻ vị thành niên, Đức Thánh Cha gọi các tham dự viên là “Tông đồ ngăn ngừa”, và nhấn mạnh hoạt động bảo vệ những người dễ bị tổn thương là “khẩn cấp và cần thiết”.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh các Giáo hội địa phương cần ưu tiên thiết lập các thủ tục rõ ràng để bảo vệ những người dễ bị tổn thương trong Giáo hội. Và ngài nhắc lại Ủy ban Toà Thánh về Bảo vệ Trẻ vị thành niên có vai trò giám sát việc thực hiện đúng để những người bị lạm dụng có những con đường rõ ràng và dễ tiếp cận trong khi tìm kiếm công lý.

Ở những nơi các biện pháp ngăn ngừa vẫn đang ở giai đoạn đầu do thiếu nguồn lực, Đức Thánh Cha kêu gọi sự hỗ trợ đặc biệt để “sự bất bình đẳng” mà các xã hội gây ra không có trong Giáo hội.

Nhắc lại hội nghị thượng đỉnh cách đây bốn năm tại Vatican, quy tụ các giám mục, các tu sĩ và chuyên gia giáo dân từ khắp nơi trên thế giới, cùng với các thành viên của Giáo triều Rôma để giải quyết việc xử lý sai lầm lạm dụng tình dục trẻ em trong Giáo hội, Đức Thánh Cha than phiền về nạn lạm dụng của giáo sĩ và sự che đậy của các giám mục và bề trên dòng tu đã để lại một vết thương không thể xóa nhòa trên thân thể của Chúa Kitô, Giáo hội, do tác hại gây ra cho rất nhiều người.

Ngài nhấn mạnh: “Bất cứ ai làm giảm tác động của lịch sử này hoặc giảm mối nguy hiểm hiện tại đều làm nhục những người đã phải chịu đựng quá nhiều đau khổ và lừa dối những người mà họ tuyên bố phục vụ. Lạm dụng tình dục bởi bất kỳ ai trong Giáo hội, bất cứ khi nào, là một mối nguy hiểm đối với hạnh phúc của dân Chúa và việc xử lý sai sẽ tiếp tục làm giảm giá trị Tin Mừng”.

Đức Thánh Cha bày tỏ lòng biết ơn đối với tất cả những gì các vị lãnh đạo Giáo hội đã làm để đối diện với tội ác này và ngăn chặn nó tái diễn. Ngài nói cuộc họp này là một biểu hiện cụ thể của “mong muốn thay đổi trong Giáo hội chúng ta” và phản ánh quá trình hiệp hành gặp gỡ, lắng nghe, suy tư và giúp đỡ lẫn nhau khi chúng ta tìm cách thực hiện và củng cố cam kết của mình để ngăn ngừa lạm dụng trong Giáo hội. Ngài khuyến khích tổ chức nhiều sự kiện như vậy, và mong muốn thấy được kết quả, đó là trẻ em được an toàn hơn trong Giáo hội. Để đạt được điều này, Đức Thánh Cha cho biết ngài đã yêu cầu Ủy ban Toà Thánh về Bảo vệ Trẻ vị thành niên “giám sát và xác minh tính phù hợp các chính sách và thực hành trong toàn Giáo hội và soạn thảo một báo cáo chỉ ra những điểm cần cải thiện”.

Cuộc phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô tại nhà trọ Thánh Marta, do Cha Guillermo Marcó, người Argentina , cựu phát ngôn viên của Đức Bergoglio, thực hiện cho trang Infobae.

Guillermo Marcó - Infobae

Bước đi Quảng trường Thánh Phêrô, tôi nghĩ đến hàng triệu người muốn trò chuyện với Đức Thánh Cha Phanxicô. Tôi đã có được đặc ân hiếm có này trong nhiều năm. Ở Buenos Aires, tôi thường nói chuyện với ngài, đôi khi hơn một lần mỗi ngày. Ngày nay, các cuộc tiếp xúc ít thường xuyên hơn, nhưng ngài vẫn giữ được sự tươi mới của sự gần gũi và tình bạn đã có được trong nhiều năm; ngài đã không thay đổi về mặt này ... Lắng nghe ngài đặc biệt thú vị…

** Điều đầu tiên con muốn hỏi Đức Thánh Cha là: điều gì thu hút ngài nhất khi theo Chúa Giêsu...

- Tôi không thể diễn đạt bằng lời. Điều tôi có thể nói là khi hòa hợp với Chúa, tôi cảm thấy bình an, tôi cảm thấy hạnh phúc. Khi tôi không theo Người, bởi vì tôi mệt mỏi, vì tôi đặt cho Người một thời gian cụ thể hoặc một thời hạn, tôi cảm thấy vô vị. Như thể cuộc sống của tôi đã tràn ngập… Có người đã từng nói với tôi rằng "Thiên Chúa ban cho bạn sự tự do, Người luôn cho bạn sự tự do, nhưng một khi bạn biết Chúa Giêsu thì bạn mất tự do". Điều này khiến tôi rơi vào khủng hoảng. Tôi không biết bạn có mất nó hay không, nhưng cách mà Chúa kêu gọi bạn và thiết lập một cuộc đối thoại với bạn khiến bạn nói rằng "không, con không đi đâu nữa, với con thế này là đủ rồi". Vì vậy, tôi cảm thấy sự cân bằng đó theo nghĩa tốt của thuật ngữ này, chứ không phải theo nghĩa tâm lý; đó là sự bình an, ngay cả trong những thời điểm mất cân bằng nghiêm trọng do phải đối mặt với những tình huống khó khăn.

** Ở đó, trong tòa giải tội của giáo xứ San José de Flores, Đức Thánh Cha đã có thể nhận ra ơn gọi của ngài: Đức Thánh Cha cảm thấy điều gì đặc biệt trong ơn gọi đó?

Thật hiếu kỳ vì sau trải nghiệm đó vào ngày 21 tháng 9, tôi tiếp tục cuộc sống của mình mà không biết mình sẽ làm gì. Nhưng có một cái gì đó khác biệt đang dần hình thành. Tôi đã không ra khỏi đó để vào chủng viện... Ba năm trôi qua. Nó giống như một quá trình thay đổi những định hướng của bạn, những điểm tham chiếu của bạn. Chúa bước vào cuộc sống của bạn và sắp xếp lại nó. Và không lấy đi tự do của bạn. Tôi chưa bao giờ có cảm giác mình không được tự do.

** Đức Thánh Cha tiếp tục định nghĩa mình là một "linh mục": ngài thích điều gì nhất về ơn gọi linh mục?

- Khi phục vụ. Có lần một linh mục nói với tôi - ngài sống trong một khu phố rất nghèo, không phải khu ổ chuột nhưng gần như vậy, và nhà xứ của ngài bên cạnh nhà thờ - và ngài nói với tôi rằng khi ngài phải đóng cửa thì người ta gõ cửa sổ. Sau đó, ngài nói với tôi: "Tôi muốn đóng cửa sổ đó lại vì họ sẽ không để bạn yên". Dân chúng sẽ không để bạn yên. Và mặt khác, ngài nói với tôi rằng nếu tôi đóng cửa sổ thì sẽ không yên tĩnh mà còn tệ hơn nhiều. Bởi một khi đã hòa vào nhịp sống phục vụ, bạn sẽ thấy xấu hổ khi dành một phần ích kỷ cho mình. Ơn gọi phục vụ hơi giống thế này, bạn không thể tưởng tượng được cuộc sống nếu bạn không phục vụ. Tôi sẽ không đánh đổi việc làm linh mục để lấy bất cứ thứ gì sau kinh nghiệm là linh mục. Với những giới hạn, lỗi lầm, tội lỗi, nhưng là một linh mục.

** Thưa Đức Thánh Cha, ngài nói gì với các linh mục?

- Điều tôi nói với một linh mục là "hãy là một linh mục". Và nếu điều này không hiệu quả với bạn, hãy tìm cách khác, Giáo hội mở ra những cánh cửa khác cho bạn. Nhưng đừng trở thành một quan chức. Tôi muốn nói điều này: hãy là một mục tử của người dân và đừng là một giáo sĩ công chức.

** Ngài cảm nhận thế nào về tình huynh đệ giữa các hồng y?

- Về lâu dài có sự gần gũi. Họ có thể có ý kiến ​​khác nhau, nhưng điều tốt là họ nói cho bạn biết suy nghĩ của họ. Tôi sợ các chương trình nghị sự bí mật. Khi người ta có điều gì đó và không nói ra. Tôi tạ ơn Chúa vì trong Hồng y đoàn có sự giao tiếp, cả những Hồng y mới và Hồng y cũ, và họ có quyền tự do phát biểu ... Tôi không biết có phải tất cả họ không, nhưng nhiều người có. Đôi khi có vị nói, "Này, chú ý cái này", "nhìn kìa...". Ồ cảm ơn ngài. Tôi sẽ nghĩ về nó và rồi tôi sẽ giải quyết, … hoặc tôi không nghe theo vị đó, tôi nói: xem này, tôi không nghe ngài vì điều này, điều này và điều này. Nhưng cuộc đối thoại được tháo gỡ.

** Thưa Đức Thánh Cha, ngài có những lòng sùng kính. Đây là bức ảnh Đức Bà Tháo gỡ các nút thắt, lòng sùng kính ngài đã có được khi ở Đức. Ngài có thể cho chúng con biết lý do tại sao ngài luôn gửi bức ảnh này trong bì thư của ngài không?

- Tôi chưa bao giờ đi đến nơi có hình ảnh gốc. Tình cờ là một nữ tu người Đức đã gửi bức ảnh cho tôi, như một lời chào. Tôi thích bức ảnh. Tôi bắt đầu lòng sùng kính hình ảnh Đức Mẹ này ở Argentina. Lịch sử của bức ảnh rất hay. Một họa sĩ thời đó đã xua đuổi vợ ông ta. Họ là những người Công giáo sùng đạo nhưng lại cãi nhau hàng ngày. Và một ngày nọ, ông ta đọc bài viết của Thánh Irenê thành Lyon, theo đó những nút thắt mà mẹ Evà của chúng ta đã buộc chặt bằng tội lỗi của bà đã được mẹ Maria của chúng ta tháo gỡ bằng sự vâng lời của Mẹ. Tôi tin rằng Công đồng đã lấy điều này và đưa vào Tông hiến về Giáo hội. Ông ta thích câu chuyện này và vì vậy ông đã yêu cầu Đức Mẹ tháo nút thắt cho ông với vợ vì họ không hợp nhau. Và đây là lý do tại sao bên dưới ông vẽ tổng lãnh thiên thần Raphael với Tôbia, đấng dẫn ông Tôbia đi tìm vị hôn thê, vợ của ông, để gặp cô ấy. Đức Trinh Nữ đã thực hiện phép lạ và mọi chuyện bắt đầu từ đó. Tôi đã bắt đầu lòng sùng kính Đức Mẹ này. Augsburg là thành phố có bức ảnh đó. Trong nhà thờ Thánh Phêrô ở Perlach. Tôi chưa bao giờ đến đó; tôi ở Frankfurt, cách đó không xa. Nhưng điều này là đủ đối với tôi và sự sùng kính đã bắt đầu từ Argentina. Như thể Đức Mẹ có thể giúp bạn, như bản văn của Thánh Irênê nói, để giúp bạn mở mọi nút thắt.

** Để tháo gỡ những nút thắt của cuộc sống...

- Đó là "tình mẫu tử" của Đức Mẹ

** Còn Thánh Giuse thì sao, thưa Đức Thánh Cha?

- Chính bà của tôi đã đặt Thánh Giuse vào tâm trí tôi… Khi tôi còn nhỏ, bà dạy tôi cầu nguyện với Thánh Giuse. Lòng sùng kính này vẫn còn.

** Ngài cũng có một bức tượng nhỏ Thánh Giuse đang ngủ. Trên đó ngài phó thác những ý định đặc biệt ...

- Khi người ta xin tôi cầu nguyện, tôi đặt những ý nguyện bên dưới bức tượng. Tôi nói: "Ngài đang ngủ, xin giải quyết các vấn đề."

** Còn Thánh Têrêsa thì sao?

- Thánh Têrêsa nhỏ luôn thu hút tôi… Lòng dũng cảm của một người bình thường. Nếu bạn hỏi tôi Thánh Têrêsa nhỏ có những điều phi thường nào: không có. Ngài là một nữ tu nghèo và bình thường. Trong những ngày cuối cùng, ngài cũng phải chịu đựng bóng tối lớn nhất, những cám dỗ lớn nhất chống lại đức tin, ngài đã trải qua tất cả. Một người phụ nữ bình thường.

** Cuối cùng, con xin Đức Thánh Cha những thông điệp ngắn. Thông điệp đầu tiên nói với các trẻ em:

- Các con hãy chăm sóc ông bà. Hãy nói chuyện với ông bà. Hãy đi thăm ông bà của các con. Hãy để ông bà thăm các con.

** Với các bạn trẻ…

- Các con đừng sợ cuộc sống. Đừng đứng yên. Hãy tiến bước. Các con sẽ phạm sai lầm, nhưng sai lầm tồi tệ nhất là đứng yên, vì vậy hãy tiếp tục.

** Nói với các ông bố, bà mẹ…

- Các bạn đừng lãng phí tình yêu. Hãy quan tâm lẫn nhau, như thế các bạn có thể chăm sóc con cái tốt hơn.

** Nói với người bệnh…

- À, điều này khó vì khuyên nhẫn nhục thì dễ, nhưng tôi không có sự kiên nhẫn, nên tôi hiểu khi bạn nổi giận một chút. Hãy xin Chúa ơn kiên nhẫn và Người sẽ ban cho bạn ơn để chịu đựng tất cả những điều này.

** Cuối cùng, nói với những người cao niên mà ngài thường nói đến…

- Nói với người cao niên: xin đừng quên rằng quý vị là gốc rễ. Người già phải truyền điều này cho người trẻ, trẻ em và thanh thiếu niên. Câu đó trong Sách Giôen: đâu là ơn gọi của bạn, một người lớn tuổi, người già sẽ nhìn thấy viễn tượng và người trẻ sẽ nói tiên tri. Khi họ ở bên nhau, những người già mơ về tương lai và truyền lại nó, còn những người trẻ tuổi, được hỗ trợ bởi những người già, có thể nói tiên tri và làm việc cho tương lai. Cùng với những người trẻ tuổi, quý vị đừng sợ bất cứ điều gì. Một người già cay đắng thì rất buồn. Ông ta còn tệ hơn cả một thanh niên buồn bã. Vì vậy, hãy tiếp tục, hãy ở cùng với những người trẻ. 

Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 15/3/2023, Đức Thánh Cha nói rằng mọi Kitô hữu đều có ơn gọi là tông đồ. Trong Giáo hội co sự đa dạng về thừa tác vụ nhưng hiệp nhất về sứ mạng. Mọi Kitô hữu đều có phẩm giá chung và bình đẳng trong ơn gọi tông đồ. Kitô hữu là tông đồ phục vụ chứ không phải là người tìm kiếm địa vị.

Hồng Thủy - Vatican News

Bài giáo lý về chủ đề “Là Tông đồ trong một Giáo hội tông truyền” là bài giáo lý thứ 7 trong loạt bài về chủ đề “Lòng say mê loan báo Tin Mừng. Lòng nhiệt thành tông đồ”.

Trong bài giáo lý này, Đức Thánh Cha suy tư về ý nghĩa của việc “là tông đồ” trong một “Giáo hội tông truyền”. Công đồng Vatican II dạy rằng ơn gọi Kitô hữu cũng là ơn gọi là tông đồ. Khi lãnh nhận bí tích rửa tội, chúng ta lãnh nhận ơn gọi và sứ vụ, nghĩa là Chúa gọi chúng ta ở với Người và sai chúng ta đi loan báo Tin Mừng. Do đó, các tông đồ không chỉ là Mười Hai môn đệ được Chúa Giêsu tuyển chọn, mà là tất cả những người đã chịu phép rửa, những người tạo thành Dân thánh trung thành của Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha nói tiếp rằng chứng từ của các Kitô hữu đầu tiên cũng soi sáng hoạt động tông đồ của chúng ta trong Giáo hội ngày nay. Kinh nghiệm của họ cho chúng ta thấy rằng chính Thiên Chúa là Đấng chọn chúng ta và ban cho chúng ta ân sủng để truyền giáo - điều mà đôi khi dường như vượt quá khả năng của chúng ta - và món quà được ban nhưng không này phải được chúng ta đáp lại cách tự do. Sứ vụ tông đồ là chung cho tất cả những người đã được rửa tội, và mỗi người thi hành nó một cách tích cực và sáng tạo, tùy theo các hồng ân và đoàn sủng đã lãnh nhận.

Trong sự đa dạng của các thừa tác vụ và đặc sủng trong Nhiệm thể Chúa Kitô, tất cả những người đã chịu phép rửa tội đều được kêu gọi và sai đi để phát triển hoạt động tông đồ của Giáo hội. Đức Thánh Cha lưu ý rằng các linh mục, tu sĩ và giáo dân có những nhiệm vụ khác nhau nhưng cùng chung một ơn gọi truyền giáo, kể cả những người giữ những chức vụ cao nhất trong Giáo hội. Giáo hội được kêu gọi để phục vụ. Đức Thánh Cha mong muốn rằng việc công nhận phẩm giá chung và sự bình đẳng của chúng ta truyền cảm hứng cho chúng ta ngày càng hiệp nhất và hợp tác hơn nữa trong việc loan báo, bằng lời nói và gương sáng, Tin Mừng cứu độ.

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

 Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chúng ta hãy tiếp tục loạt bài giáo lý về lòng đam mê rao giảng Tin Mừng, không chỉ về việc loan báo Tin Mừng nhưng là về niềm đam mê rao giảng Tin Mừng; và, tại trường học của Công đồng Vatican II, chúng ta hãy cố gắng hiểu rõ hơn là “các tông đồ” ngày nay có nghĩa là gì. Từ ngữ “tông đồ” gợi nhớ đến nhóm Mười Hai môn đệ được Chúa Giêsu tuyển chọn. Đôi khi chúng ta gọi một số vị thánh, hay cách chung hơn, các Giám mục, là “tông đồ”. Nhưng chúng ta có ý thức rằng việc là tông đồ liên quan đến mọi Kitô hữu không? Chúng ta có ý thức rằng nó cũng liên quan đến mỗi người chúng ta không? Thật vậy, chúng ta được mời gọi là tông đồ trong một Giáo hội tông truyền như chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính.

Vậy là tông đồ nghĩa là gì? Nó có nghĩa là được sai đi thi hành một sứ vụ. Sự kiện Chúa Kitô Phục Sinh sai các tông đồ đi vào thế giới, và truyền cho các ông quyền năng mà chính Người đã lãnh nhận từ Chúa Cha và ban cho các ông Thần Khí của Người chính là sự kiện mẫu mực và nền tảng. Chúng ta đọc trong Tin Mừng Thánh Gioan: “Chúa Giêsu lại nói với các ông: ‘Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.’ Nói xong, Người thổi hơi và bảo các ông: 'Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần’” (20,21-22).

Ơn gọi tông đồ

Một khía cạnh cơ bản khác của việc là tông đồ là ơn gọi, tức là lời kêu gọi. Điều này đã xảy ra ngay từ đầu, khi Chúa Giêsu “gọi những kẻ Người muốn và họ đến cùng Người” (Mc 3,13). Người lập các ông thành một nhóm, ban cho họ tước hiệu “tông đồ”, để họ ở với Người và để sai họ đi truyền giáo (xem Mc 3,14; Mt 10,1-42). Trong các thư của mình, Thánh Phaolô tự giới thiệu như sau: “Phaolô, được gọi làm tông đồ”, nghĩa là được sai đi (1 Cr 1,1) và thêm nữa: “Phaolô, tôi tớ Chúa Giêsu Kitô, tông đồ được kêu gọi, được tuyển chọn để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa” (Rm 1 ,1). Và ngài nhấn mạnh rằng ngài là “tông đồ không phải do loài người, cũng không nhờ một người nào, nhưng bởi Đức Giêsu Kitô và Thiên Chúa là Cha, Đấng đã cho Người sống lại từ cõi chết” (Gal 1,1); Thiên Chúa đã gọi Người từ trong lòng mẹ để loan báo Tin Mừng giữa muôn dân (x. Gl 1,15-16).

Kinh nghiệm của Nhóm Mười hai Tông đồ và chứng từ của Thánh Phaolô cũng thách đố chúng ta ngày nay. Những điều này mời gọi chúng ta xác minh thái độ, lựa chọn, quyết định của chúng ta dựa trên những điểm nền tảng này: mọi sự tùy thuộc vào lời mời gọi nhưng không của Thiên Chúa; Thiên Chúa cũng chọn chúng ta cho những công việc phục vụ mà đôi khi dường như vượt quá khả năng của chúng ta hoặc không tương ứng với mong đợi của chúng ta; lời mời gọi nhận được như một món quà được ban cách nhưng không phải được đáp lại cách nhưng không.

"Ơn gọi Kitô hữu […] tự bản chất cũng là ơn gọi làm tông đồ”

 Đức Thánh Cha nói tiếp: Công đồng nói: “Ơn gọi Kitô hữu […] tự bản chất cũng là ơn gọi làm tông đồ” (Decr. Apostolicam actuositatem [AA], 2). Đó là một ơn gọi chung, “cùng chung một phẩm giá giữa các chi thể do được tái sinh trong Đức Ki-tô, cùng chung một ơn là con cái Thiên Chúa và cùng chung một ơn gọi hướng tới sự hoàn thiện; chỉ có một ơn cứu độ, một niềm hy vọng và một đức ái không phân chia” (LG, 32).

Đó là một ơn gọi liên quan đến cả những người đã lãnh nhận bí tích Truyền Chức thánh và những người thánh hiến, cũng như mỗi tín hữu giáo dân, nam hay nữ; là một lời mời gọi tất cả. Kho tàng mà bạn đã lãnh nhận nhờ ơn gọi Kitô hữu của mình, bạn buộc phải cho đi: đó là tính năng động của ơn gọi, đó là tính năng động của cuộc sống. Và đó là một tiếng gọi giúp chúng ta có thể thi hành nhiệm vụ tông đồ của mình một cách tích cực và sáng tạo, trong một Giáo hội trong đó “có sự đa dạng về thừa tác vụ nhưng hiệp nhất về sứ mạng. Các tông đồ và những người kế vị các ngài đã nhận từ Đức Kitô nhiệm vụ giảng dạy, cai quản và thánh hóa nhân danh Người và với quyền bính của Người. Nhưng các giáo dân cũng vậy, là những người dự phần vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương đế của Chúa Kitô, trong sứ vụ của toàn dân Thiên Chúa, họ có nhiệm vụ riêng trong Giáo hội và trong thế giới” (AA, 2).

Ơn gọi Kitô hữu không phải là sự thăng chức

Trong bối cảnh này, Công đồng hiểu thế nào về sự cộng tác của giáo dân với hàng giáo phẩm? Đó có phải là một sự thích ứng đơn thuần về chiến lược cho các tình huống mới đang xảy ra? Không phải; có điều gì đó hơn thế nữa, điều vượt trên những tình huống ngẫu nhiên của thời điểm và đối với chúng ta, nó cũng vẫn có giá trị riêng của nó. Giáo hội là như thế, được thành lập và có đặc tính tông truyền.

Trong bối cảnh của sự thống nhất trong sứ vụ truyền giáo, sự đa dạng của các đặc sủng và thừa tác vụ không được làm nảy sinh các loại đặc quyền trong thân thể giáo hội; ở đây không có sự đề bạt, và khi bạn quan niệm đời sống Kitô hữu là sự thăng chức, trong đó người cấp trên chỉ huy những người khác bởi vì anh ta đã có thể leo lên chức cao, thì đây không phải là Kitô giáo. Đây là ngoại giáo thuần túy. Ơn gọi Kitô hữu không phải là sự thăng chức để đi lên, không! Nó là một điều khác.

Sự bình đẳng về phẩm giá và về hoạt động chung của mọi tín hữu

Tiếp tục bài giáo lý Đức Thánh Cha lưu ý: Có một điều quan trọng bởi vì, mặc dù “theo ý Đức Kitô, một số người được đặt ở những vị trí quan trọng hơn, làm thầy dạy, làm người phân phát các mầu nhiệm và làm chủ chăn vì những người khác, nhưng tất cả mọi người đều thực sự bình đẳng về phẩm giá và về hoạt động chung của mọi tín hữu trong việc xây dựng thân mình Đức Kitô” (LG, 32). Ai có phẩm giá cao hơn trong Giáo hội: có phải là giám mục, hay linh mục? Không… tất cả chúng ta đều là Kitô hữu phục vụ người khác. Ai quan trọng hơn trong Giáo Hội: nữ tu hay người bình thường, người đã rửa tội hay chưa rửa tội, trẻ em, giám mục…? Mọi người đều bình đẳng, chúng ta đều bình đẳng và khi một trong hai bên cho rằng mình quan trọng hơn những người khác và hếch mũi lên, thì người này đã sai. Đó không phải là ơn gọi của Chúa Giêsu. Ơn gọi mà Chúa Giêsu ban, cho mọi người, cũng như cho những người có vẻ ở địa vị cao hơn, đó là phục vụ, phục vụ người khác, khiêm nhường tự hạ. Nếu bạn thấy một người có ơn gọi cao hơn trong Giáo hội và bạn thấy người đó vô ích, bạn sẽ nói: “Thật tội nghiệp”; hãy cầu nguyện cho người này vì người này chưa hiểu ơn gọi của Thiên Chúa là gì. Ơn gọi của Thiên Chúa là thờ phượng Chúa Cha, yêu thương cộng đoàn và phục vụ. Đây là tông đồ, đây là chứng tá của các tông đồ.

Lắng nghe, tự hạ mình, phục vụ 

Vấn đề bình đẳng về phẩm giá đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ lại về nhiều khía cạnh trong các mối quan hệ của chúng ta, những khía cạnh mang tính quyết định đối với việc loan báo Tin Mừng. Chẳng hạn, chúng ta có ý thức rằng những lời nói của mình có thể làm tổn hại đến phẩm giá của người khác, do đó hủy hoại các mối quan hệ trong Giáo hội không? Trong khi chúng ta cố gắng đối thoại với thế giới, chúng ta có biết cách đối thoại với nhau như những tín hữu không? Hay trong giáo xứ người này chống đối người kia, người này nói xấu người kia để leo cao hơn? Chúng ta có biết cách lắng nghe để hiểu lý do của đối phương hay chúng ta áp đặt bản thân, thậm chí có thể bằng những lời nói nhẹ nhàng? Lắng nghe, tự hạ mình, phục vụ người khác: đây là phục vụ, đây là Kitô hữu, đây là tông đồ.

Anh chị em thân mến, chúng ta đừng ngại tự hỏi mình những câu hỏi này. Chúng có thể giúp chúng ta minh xác cách chúng ta sống ơn gọi của bí tích rửa tội, cách chúng ta là tông đồ trong một Giáo hội tông truyền, một Giáo hội phục vụ tha nhân. Cảm ơn anh chị em.

Buổi tiếp kiến kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Đức Thánh Cha đã gửi điện thư chia buồn đến Đức Tổng Giám Mục José H. Gomez của Los Angeles, bày tỏ sự thương tiếc và cầu nguyện cho Đức cha David O'Connell, Giám mục phụ tá Tổng Giáo Phận.

Ngọc Yến - Vatican News

Ngày 18/02/2023, Đức cha David O'Connell, Giám mục phụ tá của Los Angeles, được biết đến là người kiến tạo hoà bình, dấn thân cho người nghèo và người nhập cư, được tìm thấy đã chết do bị bắn, ở ngoại ô vùng Hacienda Heights.

Điện thư của Đức Thánh Cha được Đức Tổng Giám Mục Christophe Pierre, Sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ gửi đến Đức Tổng Giám Mục José H. Gomez của Los Angeles trong ngày đầu tuần. Thứ Tư, 01/3, trong Thánh lễ cầu nguyện cho Đức cha O'Connell, tại nhà thờ thánh John Vianney ở Hacienda Heights, nơi Đức cố Giám mục phụ tá từng cư ngụ, điện thư đã được đọc trước sự hiện diện đông đảo của các tín hữu.

Trong điện thư được ký bởi Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh, Đức Thánh Cha bày tỏ đau buồn sâu sắc khi hay tin về cái chết bất ngờ và bi thảm của Đức cha David O'Connell. Ngài gửi lời chia buồn chân thành và đảm bảo sự gần gũi thiêng liêng với tất cả mọi người, linh mục, tu sĩ và giáo dân của Tổng giáo phận Los Angeles.

Đức Thánh Cha ca ngợi thừa tác vụ linh mục và giám mục của Đức cha O'Connell, được “đánh dấu đặc biệt bởi sự quan tâm sâu sắc của ngài đối với người nghèo, người nhập cư và những người đang cần sự giúp đỡ; những nỗ lực của Đức cha trong việc nâng cao sự thánh thiêng và phẩm giá hồng ân sự sống của Thiên Chúa; và lòng nhiệt thành của ngài đối với sự thúc đẩy tình liên đới, hợp tác và hòa bình trong cộng đồng địa phương”.

Đức Thánh cha cũng cầu nguyện cho những ai đang nhớ đến Đức cha O'Connell với lòng kính trọng “được củng cố trong quyết tâm từ bỏ con đường bạo lực và chiến thắng cái ác bằng điều thiện”.

Và ngài kết thúc điện thư, hướng đến mọi người đang tập trung tham dự Thánh lễ cầu nguyện cho Đức cha O'Connell, và tất cả những ai thương tiếc sự ra đi của Đức cha với niềm hy vọng chắc chắn về sự phục sinh, đồng thời ban phép lành như một bảo chứng cho hòa bình và niềm an ủi của Chúa.

Thánh lễ an táng Đức cha O'Connell sẽ được cử hành vào lúc 11 giờ sáng thứ Sáu, ngày 3/3 tại nhà thờ Chính toà. Sau đó, ngài sẽ được an táng trong hầm mộ nhà thờ.

Theo kết quả cuộc khảo sát có tên “Khảo sát về sự tin tưởng xã hội của Giáo hội Hàn Quốc năm 2023”, được thực hiện bởi G&Com Research nhân danh Phong trào Thực hành Đạo đức Kitô giáo, từ ngày 11 đến 15/1/2023, với 1.000 người nam và nữ trên 19 tuổi, Giáo hội Công giáo ở Hàn Quốc là tôn giáo đáng tin cậy nhất tại nước này.

Hồng Thủy - Vatican News

Trong số những người được khảo sát, 21,4% số người được hỏi tiết lộ rằng họ tin tưởng vào Công giáo hơn so với các tôn giáo khác trong nước.

Theo cuộc khảo sát, Tin lành đứng thứ hai với 16,5% số người được hỏi ủng hộ, trong khi Phật giáo đứng vị trí thứ ba với 15,7%.

Tuy nhiên, so với dữ liệu năm 2020, độ tin cậy tổng thể của Công giáo, Tin lành và Phật giáo đã giảm.

Kết quả khảo sát cũng cung cấp một phân tích về mức độ tin tưởng của người trả lời dựa trên mức thu nhập của họ. Những người trả lời có thu nhập cao tin tưởng Công giáo nhất, trong khi những người trả lời có thu nhập thấp cảm thấy rằng Tin Lành đáng tin cậy hơn.

Hoạt động phục vụ xã hội

Việc so sánh các hoạt động phục vụ xã hội của từng tôn giáo cũng được thực hiện trong cuộc khảo sát.

Tín hữu Công giáo đứng đầu với 29,4% về khối lượng hoặc số lượng các hoạt động hỗ trợ xã hội được thực hiện. Tin lành đứng thứ hai với 20,6% trong khi Phật giáo đứng thứ ba với 6,8%. Công giáo cũng duy trì vị trí hàng đầu về chất lượng các dịch vụ hỗ trợ xã hội mà Giáo hội cung cấp cho người dân.

Cuộc khảo sát cũng đánh giá sự đóng góp chung của các nhóm tôn giáo cho xã hội Hàn Quốc. Theo cuộc khảo sát, Công giáo (26,4%) có đóng góp tích cực lớn nhất, tiếp theo là Tin lành (15,7%) và Phật giáo (15,1%).

Cho đến giữa những năm 1980, Giáo hội Công giáo Hàn Quốc vẫn là một “Giáo hội tiếp nhận”, nhưng từ năm 1992 đã phát triển thành một “Giáo hội chia sẻ”.

Giáo hội đóng góp cho xã hội Hàn Quốc thông qua hệ thống hỗ trợ nhiều mặt và chăm sóc người trẻ cũng như người già thông qua các trường học, cao đẳng, bệnh viện, việc chăm sóc người già, trợ giúp người di cư, bảo vệ môi trường, vận động phò sự sống, v.v. (Ucanews 01/03/2022)

Hàng ngàn người đã quy tụ tại Nhà Thờ Chính Tòa Đức Mẹ Các Thiên Thần ở Los Angeles để tham dự Thánh lễ an táng Đức cha David O'Connell, do Đức Tổng Giám Mục José Gomez, Tổng Giám mục Giáo phận Los Angeles, cử hành hôm thứ Sáu ngày 3/3/2023

Hồng Thủy - Vatican News

Đức cha David O'Connell, 69 tuổi, là Giám mục phụ tá của Los Angles. Trong 45 năm qua, ngài đã tham gia nhiều hoạt động xã hội ở khu vực phía Nam Los Angeles. Ngài qua đời ngày 18/2 sau khi bị bắn nhiều phát tại tư gia ở Hacienda Heights.

"Bạn của Chúa Giêsu Kitô, bạn của người nghèo"

Trong bài giảng, Đức ông Jarlath Cunnane, một trong những người bạn thân nhất của Đức cha O'Connell, miêu tả Đức cha là "bạn của Chúa Giêsu Kitô, bạn của người nghèo."

Đức ông Cunnane nói: "Tôi không thể tưởng tượng mình đã đi trên con đường đó mà không có David bên cạnh. Tôi chắc chắn rằng tôi sẽ bị lạc hướng. Tôi sẽ đi lạc đường. Ngài nói rằng Đức cha O'Connell "rất tốt trong tình bạn" và là "người bạn của linh hồn". Đức cha đã nói chuyện với các tâm hồn, chữa lành các linh hồn, mang lại bình an cho các linh hồn. Và "hơn bất cứ điều gì khác… Đức cha Dave là bạn của Chúa Giêsu Kitô và của Đức Maria, Mẹ Rất Thánh của chúng ta."

Đức ông Cunnane đặc biệt nói về lòng yêu mến Kinh Mân Côi và Đức Mẹ của Đức cha O’Connell và đề cập đến đời sống cầu nguyện của ngài trong những năm gần đây. "Đối với Dave, cuộc sống, và đặc biệt trong những năm gần đây, cuộc sống là cầu nguyện. Cuộc sống có sự hiện diện của Chúa Kitô, và đó là những gì ngài đã chia sẻ. Vâng, ngài đã giúp đỡ người nghèo. Ngài đã đấu tranh cho công lý. Nhưng trên hết, điều ngài muốn chia sẻ là cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô."

Kết thúc bài giảng, Đức ông Cunnane nói với Đức cha O'Connell: "Tôi nghĩ rằng tôi đang nghe thấy Chúa nói với bạn: 'Bạn của Ta, David O'Connell, hãy đến, người được Cha Ta chúc phúc, hãy bước vào vương quốc được chuẩn bị cho con từ khi tạo dựng trời đất.'"

Ngài đang ở trên thiên đàng

Trong những lời vắn vỏi vào cuối Thánh lễ, Đức Tổng Giám mục của Los Angeles nói rằng "Đức cha Dave" sẽ rất được nhớ đến, nhưng "chúng ta biết rằng ngài đang ở trên thiên đàng. Từ nơi đó ngài sẽ tiếp tục cầu bầu cho chúng ta như ngài đã làm trong suốt cuộc đời." (CNA 03/03/2023)

Theo thống kê mới nhất về Giáo hội Công giáo, hiện trên thế giới có khoảng 1 tỷ 378 triệu tín hữu Công giáo, tức là tăng thêm 18 triệu người so với năm trước đó.

Ngọc Yến - Vatican News

“Niên Giám thống kê về Giáo hội Công giáo”, được báo Quan sát viên Roma của Toà Thánh công bố hôm 03/3, có thể cho thấy những thông tin liên quan đến đời sống Giáo hội Công giáo trên thế giới, bắt đầu từ ngày 01/12/2021 đến 30/11/2022.

Số tín hữu

Trên toàn cầu, số tín hữu Công giáo tăng từ 1 tỷ 360 triệu trong năm 2020 lên 1 tỷ 378 triệu trong năm 2021, tức là tăng 18 triệu người.  

Số tín hữu gia tăng 0,99% tại châu Á, 3,1% tại châu Phi, và 1,01% tại châu Mỹ.

Tính đến năm 2021, người Công giáo chiếm 17,67% dân số thế giới.

Số giám mục, linh mục và phó tế vĩnh viễn

Theo thống kê này, tổng số giám mục trong Giáo hội hiện nay là 5.340 vị, giảm 13 vị so với năm trước đó.

Số các linh mục trên thế giới giảm từ 410.219 vị vào năm 2020 xuống 407.872 vị vào năm 2021, mức giảm là 0,57%. Sự giảm sút nhiều nhất xảy ra tại Âu châu, tiếp theo đó là Mỹ châu và Úc châu. Tuy nhiên, số linh mục gia tăng tại Phi châu và Á châu.

Số phó tế vĩnh viễn tiếp tục gia tăng trong Giáo hội, tăng từ 48.635 thầy lên 49.176, mức tăng là 1,1%; tăng mạnh nhất là tại Mỹ và châu Âu.

Các tu huynh trong Giáo hội giảm từ 50.569 thầy trong năm 2020 xuống còn 49.774 thầy trong năm 2021.

Số tu sĩ nam nữ và chủng sinh

Trong năm 2021, số nữ tu trong Giáo hội tiếp tục suy giảm: từ 620.000 chị giảm xuống còn 608.958 chị. Số nữ tu gia tăng ở Á Châu và Phi châu, nhưng lại giảm sút tại Âu, Mỹ và Úc châu.

Số đại chủng sinh triều và dòng của Giáo hội cũng giảm mất 1.960 thầy, và hiện có 109.895 thầy. Chỉ tại Phi châu có số các đại chủng sinh tăng, trong khi tại các đại lục đều giảm bớt.

Ngày 27/2/2023, Phòng Báo chí Toà Thánh thông báo Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm Hungary từ ngày 28 đến 30/4/2023, và trong chương trình ngài chỉ viếng thăm thủ đô Budapest.

Hồng Thủy - Vatican News

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh, cho biết: “Nhận lời mời của các vị lãnh đạo dân sự và Giáo hội, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thực hiện chuyến Tông du đến Hungary từ ngày 28 đến 30 tháng 4 năm 2023, viếng thăm thành phố Budapest.”

Đây sẽ là chuyến tông du nước ngoài thứ 41 của Đức Thánh Cha, và Hungary sẽ là quốc gia thứ 61 được ngài viếng thăm.

Chương trình viếng thăm

Chương trình viếng thăm Hungary của Đức Thánh Cha cũng được công bố. Như các cuộc viếng thăm chính thức khác, sau khi đến thủ đô Budapest của Hungary, Đức Thánh Cha sẽ thăm hữu nghị Tổng thống Hungary, gặp gỡ Thủ tướng, và sau đó là gặp gỡ các cấp chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn. Chiều ngày thứ nhất của chuyến viếng thăm, Đức Thánh Cha sẽ gặp các Giám mục, linh mục, phó tế, tu sĩ, chủng sinh và các nhân viên mục vụ.

Trong ngày thứ hai của chuyến viếng thăm, Đức Thánh Cha sẽ thăm các trẻ em tại học viện Chân phước Laszló Batthyány-Strattmann, người nghèo và người tị nạn, giới trẻ và cuối cùng là gặp riêng các tu sĩ dòng Tên.

Ngày cuối cùng, sau khi dâng Thánh lễ cho các tín hữu tại Quảng trường Kossuth Lajos vào ban sáng, ban chiều Đức Thánh Cha sẽ gặp giới đại học và văn hoá trước khi chào biệt Hungary để trở về Rôma.

Vào tháng 9/2021, Đức Thánh Cha đã đến Hungary để chủ sự Thánh lễ khai mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52, được cử hành tại Quảng trường Anh hùng ở thủ đô Budapest. (CSR_876_2023)

Trong video ý cầu nguyện của tháng 3, được Mạng lưới Cầu nguyện Toàn cầu của Đức Giáo hoàng công bố ngày 2/3/2023, Đức Thánh Cha kêu gọi các tín hữu cầu nguyện cho tất cả những người bị lạm dụng, đặc biệt cho những người bị lạm dụng bởi các thành viên của cộng đoàn Giáo hội, “để họ tìm thấy trong chính Giáo hội một câu trả lời cụ thể cho sự đau đớn và nỗi thống khổ của họ.”

Hồng Thủy - Vatican News

Mở đầu video, Đức Thánh Cha nhận định: “Đối diện với những trường hợp lạm dụng, đặc biệt là những trường hợp do các thành viên của Giáo hội gây ra, việc cầu xin sự tha thứ thôi thì chưa đủ.” Ngài giải thích rằng việc cầu xin sự tha thứ là cần thiết nhưng các nạn nhân cần “câu trả lời; những hành động cụ thể để khắc phục những nỗi kinh hoàng mà họ đã phải gánh chịu và ngăn chặn chúng tái diễn.”

Lắng nghe, hỗ trợ và bảo vệ

Đức Thánh Cha đề ra một cách thế để đối phó với các vụ lạm dụng là phải đưa chúng ra ánh sáng. Ngài nhấn mạnh rằng tệ nạn lạm dụng là một bi kịch không thể được che giấu, cả trong Giáo hội cũng như trong gia đình, trong những hội nhóm, hoặc trong các loại tổ chức khác. Và Giáo hội phải là kiểu mẫu trong việc này.

Một điều căn bản được Đức Thánh Cha nhấn mạnh, đó là “Giáo hội phải cung cấp những không gian an toàn để các nạn nhân được lắng nghe, được hỗ trợ về mặt tâm lý và được bảo vệ.”

Những phản ứng cụ thể trước nỗi đau và sự thống khổ của các nạn nhân

Cha Frédéric Fornos, Giám đốc Quốc tế của Mạng lưới Cầu nguyện Toàn cầu của Đức Giáo hoàng, nhận xét về ý cầu nguyện tháng này: “Trong Phúc âm, Chúa Giêsu nói từ tận đáy lòng: 'Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin Thầy đây phải sa ngã, thì thà treo cối đá lớn vào cổ nó mà xô cho chìm xuống đáy biển còn hơn.' (Mt 18,6). Điều này cho thấy sự đau khổ của Chúa Giêsu khi đối mặt với tội ác không thể dung thứ này.”

Cha Fornos nhắc lại lời Đức Thánh Cha đã khuyến khích chúng ta trong ‘Thư gửi Dân Chúa’ vào năm 2018, trong đó ngài trích dẫn lời khuyên của Thánh Inhaxiô Loyola, “Khi chúng ta gặp sự sầu khổ do những vết thương của Giáo hội gây ra, chúng ta sẽ cùng với Mẹ Maria làm điều này: ‘càng cầu nguyện hơn nữa’” (Thánh Inhaxiô Loyola, Linh thao, 319). Cha Fornos giải thích: “Đức Thánh Cha muốn Giáo hội Công giáo cầu nguyện trong tháng Ba cho các nạn nhân của nạn lạm dụng quyền lực và lương tâm, và lạm dụng tình dục, để ‘đánh thức lương tâm của chúng ta và khơi dậy tình liên đới và sự dấn thân của chúng ta đối với một nền văn hóa quan tâm’ và quyết tâm chiến đấu chống lại mọi loại và mọi hình thức lạm dụng.” Theo cha, cầu nguyện mở lòng chúng ta, giúp chúng ta lắng nghe và nhìn thấy, và dẫn dắt chúng ta hành động chống lại những tội ác làm biến dạng Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô và khuôn mặt của Giáo hội, để chúng ta có thể tìm thấy, như ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha nói, những phản ứng cụ thể đối với nỗi đau và sự thống khổ của các nạn nhân.” (CSR_904_2023)